20/09/2016
Thị trường căn hộ cao cấp khu Nam và Khu Đông (Tp.HCM) đang rơi vào trạng thái “im ắng”, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ buộc phải giảm giá chung cư để rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, bán được hàng trong thời điểm này là chuyện không dễ dàng.
Quý III/2016, thị trường BĐS chứng kiến bước thụt lùi trong giao dịch căn hộ. Dù các doanh nghiệp địa ốc tích cực mở bán với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng sức mua vẫn chững lại, diễn biến thanh khoản thị trường không có đột biến. Một số dự án cao cấp mở bán mới có giao dịch kém sôi động so với thời điểm cùng kỳ năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh lại chính sách bán hàng và hạ gần một nửa chỉ tiêu bán ra so với kỳ vọng ban đầu.
Khu Nam và khu Đông - hai thị trường sôi động nhất Tp.HCM hiện nay cũng đang rơi vào thế khó. Trong khi khu Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề ô nhiễm không khí từ khu Đa Phước, thì ở khu Đông, người mua chủ yếu quan tâm đến thị phần đất nền, nhà phố. Các dự án căn hộ hiện được bán khá âm thầm. Suốt 2 tháng qua, thị trường hầu như không có thêm một dự án lớn nào được triển khai. Một số dự án được lên kế hoạch triển khai trước đó đều đã rời thời điểm vào cuối năm. Phần lớn nguồn cung mới đang ở giai đoạn giới thiệu.
|
Giao dịch thị trường trầm lặng khiến nhiều nhà đầu tư trót gom hàng nhiều rơi vào cảnh khó |
Một số dự án đã mở bán trước đó hiện không được đẩy mạnh truyền thông, diễn ra khá âm thầm. Chị Trần Thanh Thúy, đại diện một sàn giao dịch tại khu Đông cho biết, tháng 8 vừa qua dự án bán rất chậm, một tuần chỉ được 2-3 giao dịch căn hộ, trong khi thời điểm đầu năm, mỗi tuần thấp nhất cũng được 7-10 giao dịch. Theo chị Thúy, sau một loạt thông tin thiếu tích cực về thị trường, nhà đầu tư đang cân nhắc lại các lựa chọn của mình. Với dân đầu tư nhỏ hay lướt sóng, động thái an toàn hiện nay là chờ đợi và xem diễn biến tiếp theo của các tháng cuối năm.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, giao dịch nhà đất trong tháng 8/2016 đang có dấu hiệu chậm lại. Tại Tp.HCM, lượng giao dịch thành công giảm đi thấy rõ, nhất là ở phân khúc căn hộ cao cấp. Các chuyên gia trong ngành cho rằng thực trạng này có thể kéo dài suốt tháng 9, thị trường sẽ khởi sắc khi bước vào mùa giao dịch cận Tết âm lịch.
Sự trầm lặng của thị trường sơ cấp đã gây ra không ít khó khăn đối với những nhà đầu tư ở thị trường thứ cấp. Cố cầm cự từ đầu năm đến nay và không còn khả năng tiếp tục ôm hàng, anh Trần Văn Thánh (Tân Phú – Tp.HCM) đành hạ giá bán căn hộ chung cư cao cấp tại quận Thủ Đức và chấp nhận lỗ gần 20% để đẩy hàng đi. Tiếc rẻ suất đầu tư nhưng trong lúc cần vốn gấp, vay ngân hàng lại khó khăn, anh Thánh đành phải bán tháo. “Lúc đầu tôi mua chênh với giá cao ngất ngưởng: 31 triệu/m2, nhưng mua xong thì thị trường chững lại, không bán được, để lâu giá càng giảm. Đến nay giá bán giảm xuống 27 -28 triệu/m2, tính ra đã lỗ mất hơn 200 triệu”, anh Thánh chia sẻ.
Anh Nguyễn Việt Minh (Bến Vân Đồn, quận 4), hiện đang đầu tư vào dự án cao cấp tại khu Đông cho biết, anh chấp nhận lỗ vốn để tìm cách bán ra nhanh 4 căn hộ cao cấp tại Bình Thạnh đã đầu tư trước đó. Hiện anh phải gánh gói thanh toán khá nặng với CĐT. Một nhà đầu tư “cá mập” tại khu Nam cũng cho biết đang có động thái bán ra hơn 10 căn hộ cao cấp ở quận 7, trong đó không ít căn đã hoàn thiện.
Không chỉ với các suất đầu tư, nhiều căn hộ cao cấp đã hoàn thiện cũng khó tìm người mua trong giai đoạn này. Rao bán căn hộ 90m2 ở Flamington Lê Đại Hành (quận 10) với giá 4,7 tỷ tặng kèm toàn bộ nội thất cao cấp, nhưng đã gần 3 tháng chị Đặng Thanh Tâm vẫn chưa tìm được người mua. Chị cho biết: “Đăng tin rao khắp nơi và thậm chí cũng đã nhờ môi giới tìm giúp khách nhưng chỉ có vài người gọi hỏi giá chứ chưa thấy ai ngỏ ý mua thật”.
|
Nhiều dự án đã sắp hoàn thiện nhưng nhà đầu tư vẫn phải bấm bụng |
Khó khăn nhất hiện nay có lẽ là các nhà đầu tư tại khu Nam Sài Gòn, anh Nguyễn Hưng, một môi giới nhà đất tại khu Nam cho biết: “Do tác động về thông tin ô nhiễm của khu Nam mà các BĐS ở đây khó bán hơn hẳn. Một số căn hộ dù nằm trong khu vực gần kề, không chịu tác động trực tiếp nhưng khách mua cũng đắn đo và quyết định chuyển hướng sang mua khu khác. Thậm chí nhiều khách hàng đã đặt cọc trước đó cũng đề nghị rút lại vì sợ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Hiện khá nhiều nhà đầu tư đang ký gửi sản phẩm tại các sàn môi giới. Nhiều nhà đầu tư không thể kham nổi chi phí thanh toán với CĐT do ôm một lúc cả chục căn hộ đã xin trả lại hàng, chấp nhận chịu lỗ một khoản lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc hoàn trả cũng thành công. Anh Nguyễn Đăng Khánh, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch cho biết nhiều khách hàng sẵn sàng trả phí gấp đôi cho môi giới nếu bán được nhà hoặc chấp nhận mất chi phí ban đầu để trả lại nhà cho CĐT. Tuy nhiên, bản thân môi giới cũng gặp khó khăn trong quá trình tìm khách mua vì các căn hộ này đa phần là chưa hoàn thiện và có giá rất “chát".
Các chuyên gia trong ngành tỏ ra khá lạc quan với thị trường trong những tháng sắp tới đây. Nhận định thị trường trong 3 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Cường, GĐ SGD Minh Phát cho rằng, giao dịch nhà đất sẽ sớm trở lại sôi động vào thời điểm cận Tết. Đây là thời điểm khá nhiều dự án mới đồng loạt bung hàng, giai đoạn nguồn tài chính trong dân dồi dào. Vì thế, thời điểm này giao dịch nhà đất dự kiến sẽ sôi động ở cả thứ cấp và sơ cấp.
Phương Uyên
(Tuổi trẻ Online)
Bạn đang có nhu cầu mở thẻ tín dụng?
Vui lòng điền các thông tin bên dưới để Topbank.vn liên hệ tư vấn cho bạn những vay ưu đãi với thời gian sớm nhất!
Chủ đề được quan tâm
15/09/2020
Logo kỷ niệm 100 năm thành lập được trang trí khắp xe sẽ là điểm nhấn làm nên sự khác biệt cho chiếc Mazda 3 và MX-5 phiên bản giới hạn lần này.
11/09/2020
Không cần di chuyển tới showroom, người mua xe tại Philippines có thể ở nhà và viếng thăm bất cứ đại lý nào của Toyota chỉ với vài cú click chuột.
09/09/2020
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, hãng xe MG Philippines có sáng kiến hỗ trợ khách hàng kiểm tra xe ô tô tại nhà thông qua cuộc gọi video.