0243 782 2888 support@topbank.vn

Không có lý do gì để dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu!

14/09/2016

Nợ xấu do lỗi của các ngân hàng, người nộp thuế chẳng có tội tình gì mà phải chịu nhìn đồng tiền thuế của mình được tiêu vào những hố đen do người khác tạo ra.

 

Theo dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã đề xuất dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu , dự kiến trình Quốc hội thông qua.

 

Lý do biện minh cho dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Đề xuất lấy ngân sách xử lý nợ xấu được không ít các chuyên gia ủng hộ. Các ý kiến đưa ra để biện minh cho việc dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu là bởi nợ xấu tuy đã giảm nhưng vẫn còn đáng kể, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

 

Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu đã mua của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn chậm chủ yếu do cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu. Do đó, để cắt giảm nhanh chóng tỉ lệ nợ xấu vào năm 2020 một cách bền vững, tiến đến xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, thì cần phải có quyết tâm chính trị trong vấn đề xử lý nợ xấu, mà ở đây chính là dùng ngân sách nhà nước.

 

Vì hệ thống NHTM trong 4 năm vừa qua đã phải hy sinh rất nhiều, khi phải tự xử lý 55% nợ xấu, còn 45% bán cho VAMC, vì thế mà lợi nhuận giảm mạnh (và đến nay, 55% nợ xấu ở ngân hàng cũng đã được cơ bản xử lý), (nên ý nói) bây giờ là lúc cần phải có sự tham gia gánh vác của nhà nước bằng cách dùng ngân sách xử lý nợ xấu.

 

Con số ngân sách cụ thể sẽ tùy vào khả năng cần đối ngân sách của chính phủ, nhưng sẽ rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỷ đồng. Số tiền này gấp 3 đến 5 lần số tiền 2.000 tỷ trước đây ngân sách đã từng bỏ ra để đầu tư cho VAMC mua nợ xấu. Tuy vậy, số tiền này sẽ chỉ là vốn mồi để VAMC mua nợ xấu với giá thị trường, sau đó quay vòng vốn. Nghĩa là khi đã bán được nợ xấu ra thị trường thì lại dùng tiền đó để mua nợ xấu vào. Cùng với đó, có thể phát hành thêm trái phiếu nợ xấu để bán ra thị trường. Tuy nhiên, trái phiếu này không giống trái phiếu đặc biệt của VAMC hiện nay, mà nó sẽ được chính phủ bảo lãnh để tăng tính thanh khoản.

 

Nhưng lý do trên là không thỏa đáng

Thứ nhất, bởi việc xử lý nợ xấu sau khi mua về của VAMC nếu vẫn còn chậm thì phải khắc phục, đẩy nhanh nó lên. Nếu những bế tắc về cơ chế, chính sách hoạt động của VAMC vẫn không được khắc phục thì dù có dùng đến ngân sách nhà nước để rót cho VAMC mua nợ xấu, về nguyên tắc, nợ xấu lại càng thêm “chất đống” ở VAMC mà không thể giải phóng được, do đầu ra vẫn bị tắc nghẽn như cũ.

 

Thứ hai, bởi việc xử lý nợ xấu tại các NHTM vẫn còn chậm chạp là do các ngân hàng được tái cơ cấu, vẫn có cơ hội “ém” nợ xấu để “mua thời gian” hy vọng một ngày nào đó, bằng phép màu nào đó, thị trường các tài sản thế chấp sẽ sáng sủa, hoặc con nợ sẽ sống lại, mạnh khỏe, tự nguyện trả nợ v.v…

 

Nhưng điều này là viển vông vì nhiều con nợ đã thực sự hoặc trên danh nghĩa chết lâm sàng. Nhiều khoản nợ xấu là hậu quả của những hành động gian lận, vụ lợi của nhân viên đến sếp cao nhất của nhiều NHTM (ví dụ như ở Ngân hàng Đại Tín, nay là Ngân hàng Xây dựng) nên chúng mãi mãi là nợ cực xấu, chỉ tồn tại trên sổ sách chứ khó có khả năng phục hồi giá trị. Nếu các NHTM bị buộc phải ghi nhận đúng bản chất các khoản nợ xấu này và trích lập dự phòng đầy đủ cho chúng thì tốc độ xử lý nợ xấu sẽ tăng đột biến, và tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NHTM cũng sẽ giảm đột biến mà chẳng cần phải dùng đến ngân sách nhà nước.

 

Thứ ba, bởi hiện tại, theo công bố của NHNN thì tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NHTM chỉ ở dưới mức 3%. Tỷ lệ này nếu đúng là vậy thì chẳng có lý do gì mà phải lo ngại cho sức khỏe và tính ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng. Kể cả tính kèm vào đó nợ xấu nằm tại VAMC thì từ mấy năm nay, các NHTM vẫn trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định nên cũng không thể cho rằng tình hình sẽ đột nhiên xấu đi, thoát khỏi tầm kiểm soát, nếu VAMC hay các bản thân các NHTM không xử lý thêm được nợ xấu.

 

Nếu vẫn cứ lo lắng với quan ngại thì có nghĩa là tỷ lệ nợ xấu thực sự phải cao hơn con số này rất nhiều. Mà như vậy thì việc cần làm trước tiên là phải thanh tra và công bố một tỷ lệ nợ xấu thực sự từ đó mới có thể đưa ra “đơn thuốc” điều trị được. Nếu còn che giấu, làm đẹp nợ xấu thì mọi giải pháp chữa chạy đều vô ích.

 

Thứ tư, bởi nợ xấu phát sinh trong hệ thống NHTM chủ yếu là do lỗi của bản thân NHTM hoặc của các doanh nghiệp, mà phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước. Người nộp thuế chẳng có tội tình gì ở đây mà phải chịu nhìn đồng tiền thuế của mình được tiêu vào những hố đen do người khác tạo ra.

 

Nên xử lý nợ xấu trước tiên phải là từ phía NHTM, dùng toàn bộ lợi nhuận của NHTM (kèm thêm vốn cổ đông, nếu cần). Chừng nào NHTM vẫn còn báo lãi, dù ít hơn trước, hoặc các cổ đông liên quan chưa bị trừng phạt vì đã (trực tiếp, gián tiếp) để nợ xấu phát sinh thì chẳng có lý do gì nhà nước phải bỏ tiền ra xử lý nợ xấu thay cho họ.

 

Thứ năm, bởi việc xử lý nợ xấu dùng ngân sách nhà nước đã được thử nghiệm với con số 2.000 tỷ đồng rót cho VAMC, nhưng kết quả ra sao thì nay đã rõ. Nên nếu dù có tăng lên thêm 5.000-10.000 tỷ đồng thì về bản chất nó cũng chẳng khác con số 2.000 tỷ trước kia là mấy, đặc biệt khi so với con số nợ xấu tuyệt đối vài trăm nghìn tỷ đồng “tồn kho” tại VAMC.

 

Hơn nữa, như đã nói ở trên, vấn đề xử lý nợ xấu không hiệu quả tại Việt Nam là do có một VAMC có cơ chế xử lý nợ xấu chưa phù hợp, và tại các ngân hàng không có động cơ quyết liệt xử lý nợ xấu, chứ không phải là VAMC không có “tiền tươi thóc thật” để mua nợ xấu (theo giá thị trường). Nếu đề xuất dùng ngân sách như hiện nay được chấp nhận thì có thể nhìn ra một viễn cảnh tiếp tục xin thêm ngân sách vì VAMC vẫn xử lý nợ xấu chậm!

 

Cuối cùng, lưu ý thêm, những phân tích ở trên không chỉ vạch ra sự vô lý của đề xuất dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu mà còn đồng thời vạch ra đường hướng để xử lý nợ xấu một cách hữu hiệu hơn ở Việt Nam.

 

TS. Phan Minh Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Tư vấn gói sản phẩm

Bạn đang có nhu cầu mở thẻ tín dụng?
Vui lòng điền các thông tin bên dưới để Topbank.vn liên hệ tư vấn cho bạn những vay ưu đãi với thời gian sớm nhất!

Bài viết được quan tâm

Chủ đề được quan tâm

Lãi suất ngân hàng

Ngân hàng tiêu biểu

Bài viết liên quan

Mazda 3 và MX-5 phiên bản kỷ niệm 100 năm thành lập ra mắt tại Philippines

Mazda 3 và MX-5 phiên bản kỷ niệm 100 năm thành lập ra mắt tại Philippines

15/09/2020

Logo kỷ niệm 100 năm thành lập được trang trí khắp xe sẽ là điểm nhấn làm nên sự khác biệt cho chiếc Mazda 3 và MX-5 phiên bản giới hạn lần này.  

Toyota Philippines cung cấp trải nghiệm showroom thực tế ảo 3D mùa Covid

Toyota Philippines cung cấp trải nghiệm showroom thực tế ảo 3D mùa Covid

11/09/2020

Không cần di chuyển tới showroom, người mua xe tại Philippines có thể ở nhà và viếng thăm bất cứ đại lý nào của Toyota chỉ với vài cú click chuột.  

MG Philippines cung cấp dịch vụ kiểm tra ô tô online trong mùa Covid

MG Philippines cung cấp dịch vụ kiểm tra ô tô online trong mùa Covid

09/09/2020

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, hãng xe MG Philippines có sáng kiến hỗ trợ khách hàng kiểm tra xe ô tô tại nhà thông qua cuộc gọi video.  

Chat với Topbank.vn