31/01/2018
Sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, hoạt động của ngành ngân hàng (NH) Việt Nam dần được cải thiện, và năm 2017 ghi nhận nhiều NH đạt mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận.
Song thách thức năm 2018 vẫn còn rất lớn. Đó là nguồn vốn của các NH hiện nay quá mỏng, không đáp ứng được các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II. Đây là áp lực lớn đối với các NH không chỉ trong năm 2018 mà sẽ kéo dài đến 2020.
Kết thúc năm 2017, các NHTM có vốn nhà nước hồ hởi báo cáo kết quả kinh doanh: Vietcombank đạt 11.018 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, VietinBank ước đạt 9.206 tỷ đồng và BIDV 8.800 tỷ đồng. Agribank cũng cho biết lợi nhuận trước thuế tăng 20%, đạt 5.018 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Một số NHTMCP cũng công bố lợi nhuận khả quan như MB đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 44,3% so với năm trước và vượt xa kế hoạch đặt ra; Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro và TPBank đạt 1.205 tỷ đồng…
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017 lợi nhuận sau thuế của các tổ chức tín dụng (TCTD) ước tăng 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%). So sánh với một số quốc gia châu Á giai đoạn 2012-2017, hiệu suất sinh lời của hệ thống TCTD Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh.
Những nỗ lực và kết quả tích cực trong hoạt động NH trong năm qua đã góp phần quan trọng vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy GDP tăng 6,81%, vượt kế hoạch đề ra. Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao sự ổn định của hệ thống NH Việt Nam, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng triển vọng tín nhiệm hệ thống NH Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển kinh doanh trong thời gian tới, các NHTM đang đứng trước áp lực tăng vốn để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, hệ số CAR toàn hệ thống ước đạt 11,1%, giảm so với cùng kỳ năm trước là 11,6%. Nguyên nhân do còn có 9/118 TCTD âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD này, CAR toàn hệ thống đạt khoảng 12,3%.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của các TCTD rất lớn, đặc biệt đối với các NHTM có vốn nhà nước. Đồng thời, các NHTMCP dù có hệ số CAR cao hơn nhưng theo Thông tư 41/2016, hệ số CAR mới được tính chặt chẽ hơn theo chuẩn Basel II có hiệu lực từ năm 2020. Lúc đó, tỷ lệ này tại một số NH có thể giảm mạnh. Theo đó, áp lực tăng vốn của các NHTM từ nay cho đến năm 2020 rất lớn.
Theo thống kê của NHNN, tại thời điểm tháng 8-2017, vốn điều lệ của các TCTD là 505.258 tỷ đồng. Trong đó vốn điều lệ của nhóm NHTM có vốn nhà nước 147.699 tỷ đồng, chỉ tăng 0,79% so với cuối năm 2016. Hệ số CAR trung bình của nhóm NHTM có vốn nhà nước tại thời điểm tháng 8-2017 cũng chỉ ở mức 9,69%, thấp hơn so với mức 11,2% của nhóm NHTMCP và cao hơn một chút so với mức quy định tối thiểu 9% hiện hành.
Nếu áp dụng Basel II, CAR của các NH này có thể xuống dưới mức 8%. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2018, lãnh đạo VietinBank cho biết đã đề xuất Chính phủ về việc tăng vốn tại hội nghị này năm ngoái nhưng chưa được đáp ứng. Theo đó, VietinBank kiến nghị được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017, cũng như xem xét bổ sung vốn điều lệ cho NH từ các nguồn vốn khác, như từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
Còn theo lãnh đạo Agribank, để đảm bảo an toàn theo quy định, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và gia tăng lợi ích nhà nước khi cổ phần hóa, Agribank kiến nghị Chính phủ sớm cấp bổ sung vốn điều lệ cho NH, vì hiện Agribank vẫn là NHTM 100% vốn nhà nước nên việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc vào ngân sách. Những đề xuất trực diện về giải pháp tăng vốn từ các NH trên cho thấy phương án tăng vốn của các NHTM có vốn nhà nước hiện nay khá hạn hẹp, nên sự hỗ trợ của Chính phủ là điều cần thiết để mở nút thắt cho việc tăng vốn.
Về các NHTMCP lớn hiện cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để tăng vốn đáp ứng điều kiện mới. Cụ thể, HDBank sau 2 lần tăng vốn trong năm 2017 đã đạt mức vốn điều lệ 8.828 tỷ đồng; MB tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng; VPBank tăng thêm 1.647 tỷ đồng, lên 15.706 tỷ đồng; ACB tăng thêm 1.882 tỷ đồng, lên 11.259 tỷ đồng; TPBank bán cổ phần cho PYN Elite Fund thu được gần 40 triệu USD… Đây là nhóm NH khá ổn trong vấn đề tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng các yêu cầu hệ số CAR hiện nay.
Trong khi đó, nhóm NHTMCP nhỏ hầu như không có động thái gì trong việc tăng vốn. Năm 2014, NHNN đã chấp thuận cho BaoVietBank tăng vốn điều lệ lên 5.200 tỷ đồng, nhưng cho đến nay vốn điều lệ của NH vẫn chỉ ở mức 3.150 tỷ đồng. Tương tự, cũng trong năm 2014 Saigonbank lên kế hoạch tăng vốn từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Còn với VietABank và NCB cũng liên tục giữ mức vốn điều lệ lần lượt là 3.500 tỷ đồng và 3.010 tỷ đồng trong nhiều năm liền. Nhiều NH khác cũng chỉ có mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định như VietCapital Bank, KienlongBank, PGBank…
Thực ra từ năm 2010, NHNN xây dựng dự thảo nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của TCTD, với mức vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 10.000 tỷ đồng trong năm 2015 để nâng cao năng lực tài chính, chống đỡ rủi ro. Một số tổ chức tài chính quốc tế cho rằng dự thảo quy định này quá khắt khe và gấp gáp, thay vào đó đã đề xuất quy định mức vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng vào năm 2015.
Tuy nhiên, dự thảo này đã dừng lại, nếu áp dụng chắc chắn sẽ là áp lực rất lớn đối với các NHTMCP nhỏ tại Việt Nam. Dù vậy, sau khi xuất hiện một số trường hợp NH âm vốn trong thời gian qua, vốn điều lệ và vốn tự có của các NH được “soi” nhiều hơn, vì đây là điều kiện quyết định sự tồn tại và phát triển của NH, cũng như nhằm bảo vệ người gửi tiền.
Tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của NH. Vốn điều lệ sẽ hỗ trợ NH về điều kiện mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số tài chính theo chuẩn mực quốc tế như Basel II. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay các NH sẽ tăng vốn theo cách nào. Tại VietinBank, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã chạm trần.
Để tăng vốn, NH này có 2 cách là nới room ngoại hoặc sử dụng ngân sách. BIDV cũng chưa tăng được vốn điều lệ sau khi Bộ Tài chính “đòi” chia cổ tức bằng tiền mặt. Hiện chỉ Vietcombank có được tin vui từ đầu năm khi Thống đốc NHNN quyết định phê duyệt, cho phép phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, và NH đang đặt nhiều kỳ vọng vào đợt phát hành này.
Nhìn lại năm 2017, để tăng vốn tự có các ngân hàng đã sử dụng nhiều biện pháp, như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo 2 hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngoài ra, một số NH xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Như tháng 9-2017, Thống đốc NHNN đã có chấp thuận việc MB tăng vốn điều lệ từ 17.127 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng theo phương án đã được ĐHCĐ và HĐQT MB thông qua. Nguồn để tăng vốn từ việc chia cổ tức 6% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên.
Với VPBank, sau khi thực hiện kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ hơn 164 triệu cổ phần, thu về 6.423 tỷ đồng vào giữa tháng 9-2017, trừ đi phần vốn dùng để mở rộng kinh doanh, NH đã bổ sung thêm 1.647 tỷ đồng vào vốn điều lệ. Bên cạnh đó, huy động từ giấy tờ có giá của các TCTD trong năm 2017 ước tăng 38% do một số TCTD đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá nhằm tăng vốn cấp 2 và cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu áp dụng chuẩn Basel II vốn cấp 2 sẽ suy giảm mạnh.
Trong Quyết định 1058 ban hành năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020; lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất 1 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tốt. Nếu có sự hỗ trợ chắc chắn việc tăng vốn của các NH sẽ dễ thở hơn.
Sắp bước vào mùa ĐHCĐ, trong khi việc tăng vốn của các NH còn ngổn ngang, một số dự báo cho rằng năm nay nhiều NH sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi đây là phương án khả thi nhất giúp NH mạnh vốn hơn trong thời điểm này và cơ quan quản lý cũng chuộng giải pháp này.
Theo ndh.vn
Bạn đang có nhu cầu mở thẻ tín dụng?
Vui lòng điền các thông tin bên dưới để Topbank.vn liên hệ tư vấn cho bạn những vay ưu đãi với thời gian sớm nhất!
Chủ đề được quan tâm
15/09/2020
Logo kỷ niệm 100 năm thành lập được trang trí khắp xe sẽ là điểm nhấn làm nên sự khác biệt cho chiếc Mazda 3 và MX-5 phiên bản giới hạn lần này.
11/09/2020
Không cần di chuyển tới showroom, người mua xe tại Philippines có thể ở nhà và viếng thăm bất cứ đại lý nào của Toyota chỉ với vài cú click chuột.
09/09/2020
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, hãng xe MG Philippines có sáng kiến hỗ trợ khách hàng kiểm tra xe ô tô tại nhà thông qua cuộc gọi video.