0243 782 2888 support@topbank.vn

Cho vay ngang hàng là gì? Cách hoạt động và rủi ro từ cho vay ngang hàng P2P

08/05/2019

Cho vay ngang hàng là gì? Hình thức cho vay ngang hàng P2P lending đầy tiềm năng nhưng nhiều rủi ro nếu không biết cách kiểm soát.

1. Cho vay ngang hàng là gì ?

 

Cho vay ngang hàng là gì? P2P lending là gì

 

Cho vay ngang hàng P2P lending - hình thức vay mới nhanh chóng hơn

 

Cho vay ngang hàng có tên tiếng anh là Peer to Peer Lending (viết tắt là P2P Lending) là hình thức cho vay vốn mới, khác với hình thức vay vốn từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng.

 

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho phép các cá nhân có thể vay tiền trực tiếp từ các cá nhân khác dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến, loại bỏ vai trò trung gian của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khỏi quá trình vay vốn.

 

Các công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến ở đây có thể là website hoặc app online cho phép kết nối người có tiền với người có nhu cầu vay tiền phù hợp ở bất kỳ nơi đâu, giúp cho việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn. 

 

Bên cạnh đó quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn được thực hiện hoàn toàn trực tuyến và có tính bảo mật cao hơn dựa trên công nghệ BigData. Công nghệ BigData cho phép mã hóa, kiểm soát tất cả thông tin của cả người vay và người cho vay.

 

Chính vì đặc điểm trên mà cho vay ngang hàng còn được gọi là cho vay đám đông và nhiều khoản vay không yêu cầu có tài sản đảm bảo.

 

Điều đặc biệt của cho vay ngang hàng là cho phép cả những cá nhân, tổ chức khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng vẫn có thể vay được với lãi suất và chi phí rẻ hơn, tùy thuộc điểm tín dụng do công ty cho vay ngang hàng đánh giá.

 

Bạn có thể hiểu đơn giản cách hoạt động của P2P lending giống như cách hoạt động của Uber hay Grab trong việc kết nối người có nhu cầu đi xe và người có xe. 

 

Tiện lợi là vậy nhưng nếu bạn không thực sự hiểu bản chất của p2p là gì và cách vận hành mô hình cho vay ngang sẽ dễ bị nhầm lẫn với các hình thức cho vay online và có những lựa chọn sai lầm dẫn đến rủi ro tài chính với cả người cho vay và người đi vay.

 

2. Các hình thức cho vay ngang hàng P2P

 

Các khoản vay ngang hàng P2P có thể là vay tín chấp hoặc thế chấp, miễn là mục đích vay hợp pháp.

 

Trên thế giới P2P áp dụng cả với các khoản vay cá nhân và khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên vay cá nhân vẫn phổ biến hơn. Mục đích của khoản vay cá nhân là để hợp nhất khoản nợ, trả nợ thẻ tín dụng, sửa chữa nhà, tiêu dùng, mua xe, vay học cao học...vẫn phổ biến nhất.

 

Hiện nay một số người cho vay P2P chuyên nghiệp còn cung cấp các khoản vay với mục đích kinh doanh hoặc các khoản vay có tài sản đảm bảo.

 

Tài sản đảm bảo ở đây có thể là đồ trang sức, đồng hồ cao cấp, xe hơi, đồ mỹ thuật, bất động sản, máy bay.....

 

3. Cho vay ngang hàng (P2P) hoạt động như thế nào ?

 

Nếu như hình thức vay vốn truyền thống hoạt động theo phương thức: ngân hàng nhận tiền gửi từ các cá nhân, tổ chức sau đó đứng ra làm trung gian cho những người có nhu cầu vay vốn vay lại.

 

Thì với cho vay ngang hàng P2P lending, người vay được kết nối trực tiếp với nhà đầu tư (là những người có tiền) thông qua nền tảng cho vay là website hoặc app.

 

Người vay vốn 

 

Khi có nhu cầu vay tiền, người vay sẽ nộp đơn đăng ký vay vốn trực tuyến trên website P2P.

 

Đối với khoản vay cá nhân, người cho vay sẽ phải cung cấp thông tin cho người vay như:

 

- Thông tin cá nhân gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email, số chứng minh thư.

- Thông tin về các khoản nợ chưa thanh toán hết.

- Tình trạng việc làm, nghề nghiệp, thu nhập

- Thông tin về trình độ giáo dục

- Nhu cầu vay vốn, kế hoạch sử dụng tiền vay và kế hoạch trả nợ

 

Người vay có thể được yêu cầu cung cấp chứng từ chứng minh cho những thông tin đã khai báo như sao kê lương, bản chụp CMT....

 

Đối với khoản vay doanh nghiệp P2P sẽ cần cung cấp thông tin về:

 

- Thời gian kinh doanh

- Điểm tín dụng chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp

- Thông tin về doanh thu và lợi nhuận.

- Nộp các tài liệu chứng minh như báo cáo tài chính, tờ khai thuế, bảng cân đối tài chính, báo cáo lãi lỗ. 

 

Khi người vay nộp đầy đủ hồ sơ cùng đơn đăng ký vay vốn thì người cho vay sẽ đưa ra một loạt các đề nghị cho vay. Hầu hết người cho vay ngang hàng thường ra quyết định cho vay trong 1 ngày hoặc 1 vài ngày. 

 

Quá trình này có thể hoàn toàn tự động hoặc người cho vay và người vay có thể chọn cách mặc cả hoặc thỏa thuận với nhau.

 

Lãi suất khoản vay có thể được xác định bởi công ty P2P Lending dựa trên xếp hạng tín dụng, phân tích tài khoản mạng xã hội của người vay hoặc được thiết lập bằng cách để người cho vay cạnh tranh trên mô mình đấu giá ngược.

 

Người cho vay:

 

Đối với người cho vay, việc tham gia vào mô hình cho vay ngang hàng là cách để thu được mức lãi cao hơn so với các khoản lãi khi gửi tiền tiết kiệm thông thường hoặc đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi.

 

Một số trang web P2P lending tại nước ngoài cho phép nhà đầu tư tham gia với số tiền tối thiểu là 25$. 

 

Công ty Cho vay ngang hàng

 

Công ty cho vay ngang hàng là đơn vị trung gian giữa người vay và người cho vay.  Công ty này cung cấp nền tảng trực tuyến để kết nối người vay và người cho vay.

 

Công ty P2P chỉ thu phí một lần cho các khoản vay đối với người cho vay và người vay.  

 

Giờ thì bạn đã hiểu cơ chế hoạt động của mô hình cho vay ngang hàng. Tuy nhiên trước khi quyết định tham gia vào hình thức mới, Topbank khuyên bạn nên đọc tiếp phần đánh giá về rủi ro và lợi ích để có cái nhìn toàn diện hơn về phương thức cho vay mới này.

 

4. Ưu và nhược điểm của cho vay ngang hàng

 

Đối với người vay (Borrowers)

 

Ưu điểm Nhược điểm

- Vay trực tuyến nhanh chóng

- Có thể hưởng lãi suất thấp hơn so với ngân hàng

- Không bị phạt trả nợ trước hạn

- Thủ tục và yêu cầu vay đơn giản hơn so với ngân hàng

- Hầu hết các khoản vay không yêu cầu tài sản đảm bảo

- Được sử dụng vốn linh hoạt

- Lãi suất có thể cao hơn với ngân hàng nếu như xếp hạng tín dụng thấp

- Có thể không được vay nếu điểm tín dụng quá thấp

- Không thể vay các khoản vay lớn

- Thanh toán trễ hạn sẽ khiến bạn bị mất điểm tín dụng và ảnh hưởng đến khoản vay sau đó.

 

Đối với người cho vay (Lender)

 

Ưu điểm Nhược điểm

- Lãi suất cao hơn so với tiết kiệm thông thường hoặc chứng chỉ tiền gửi ghi danh

- Thêm lựa chọn đầu tư ngoài hình thức trái phiếu và chứng khoán

- Hầu hết nền tảng P2P cho phép nhà đầu tư tự động đa dạng hóa danh mục cho vay.

 

- Rủi ro mất tiền nếu người vay vỡ nợ

- Các khoản tiền cho vay không được bảo hiểm như đối với tài khoản tiết kiệm

- Tính thanh khoản thấp hơn so với đầu tư trái phiếu hoặc cổ phiếu vì thời gian cho vay dài từ 3 - 5 năm.

- Đây là hình thức vay vốn mới nên có thể sẽ có nhiều biến động trong tương lai.

- Một số nền tảng cho vay chỉ đồng ý cho những nhà đầu tư được "công nhận" tham gia.

 

 

5. Cho vay ngang hàng P2P Lending sẽ được quản lý chặt tại Việt Nam

 

Tháng 4 năm 2019 vừa rồi, Phó Thống Đốc Bà Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ về hoạt động cho vay ngang hàng P2P Lending ở Việt Nam.

 

Theo đó, chính phủ đã giao cho NHNN nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của nước khác và đề xuất thí điểm tại Việt Nam và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay P2P.

 

Ngân hàng nhà nước cũng sẽ có những quy định rõ về mô hình hoạt động kinh doanh P2P là gì và phạm vi hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này.

 

Tất cả các hình thức biến tướng từ hoạt động này sẽ bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm nếu vi phạm pháp luật.

 

Hiện tại Việt Nam đang có hơn 40 công ty P2P Lending hoạt động. Tất cả những công ty này sẽ được NHNN đánh giá, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hoạt động trong thời gian qua.

 

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì mô hình kinh doanh P2P sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề chính như:

 

- Giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư;

- Tiêu chuẩn về các quy định cấp phép hoạt động của các công ty P2P

- Các quy định về hình thức giám sát và công bố thông tin của hoạt động P2P

 

6. Cho vay ngang hàng sẽ là hoạt động kinh doanh có điều kiện

 

Để đảm bảo an toàn tài chính cho nhà đầu tư, cho vay ngang hàng được cơ quan nhà nước dự định sẽ cho vào danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện.

 

Chỉ những công ty đủ năng lực và đáp ứng đủ các điều kiện cho cơ quan nhà nước quy định thì mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên đến nay NHNN vẫn đang trong quá trình xây dựng quy chế, chính sách. Hoạt động cho vay ngang hàng vẫn đang bỏ ngỏ và chưa có quy định pháp lý chính thức.

 

7. Cảnh báo công ty cho vay ngang hàng lợi dụng đa cấp để lừa nhà đầu tư

 

Trước tiên khẳng định rằng cho vay ngang hàng về bản chất là hoạt động tài chính hợp pháp được chính phủ nhiều nước phát triển đồng ý cho phép hoạt động. Tuy nhiên trong thời kỳ đầu rất nhiều người đã lợi dụng hình thức này, biến tướng thành hình thức tài chính đa cấp để trục lợi.

 

Hiện Việt Nam có khoảng 40 công ty P2P Lending đang hoạt động. Nhưng trong đó có tới 10 công ty có xuất xứ từ Trung Quốc, Singapore, Indonesia.

 

NHNN đã cảnh báo một số công ty trong số này đã bắt đầu xuất hiện những hoạt động vi phạm về luật tín dụng. Các hình thức biến tướng hoạt động chủ yếu theo hình thức huy động tiền đa cấp để chiếm đoạt tiền từ nhà đầu tưu.

 

Những hoạt động biến tướng này có khả năng dẫn tới vỡ nợ khiến nhà đầu tư mất trắng tiền. Vì vậy trước khi ngân hàng nhà nước có quy định cụ thể và cho phép thí điểm hoạt động này hợp pháp thì nhà đầu tư nên thận trọng với hoạt động cho vay ngang hàng.

 

Thị trường ngân hàng

Tư vấn khoản vay

Bạn đang có nhu cầu vay mua nhà/xe/ vay tín chấp trả góp? Vui lòng điền các thông tin bên dưới để Topbank.vn liên hệ tư vấn cho bạn những vay ưu đãi với thời gian sớm nhất!

Bài viết được quan tâm

Chủ đề được quan tâm

Lãi suất ngân hàng

Ngân hàng tiêu biểu

Bài viết liên quan

Chat với Topbank.vn